Skip to main content

Tại sao trên thế giới cũng như Việt Nam cần có luật BVQLNTD

Tại sao trên thế giới cũng như Việt Nam cần có luật BVQLNTD?

Trả lời:

Ở bất kỳ quốc gia nào, người tiêu dùng luôn là nhóm đối tượng đông đảo được quan tâm nhiều nhất, là yếu tố quan trọng, động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội của quốc gia. Chính vì vậy, trong tiến trình phát triển kinh tế của một  nước, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của khu vực sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra nhiều của cải, vật chất cho xã hội thì cũng cần hài hòa, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Hơn nữa, đối với riêng doanh nghiệp, để có thể phát triển bền vững thì cần lấy người tiêu dùng làm trung tâm cho sự phát triển đó vì người tiêu dùng mới là nguồn lực và là động lực chính cho sự phát triển của bất cứ tổ chức, cá nhân kinh doanh nào.Tuy nhiên, do việc thiếu thông tin, thiếu sự lựa chọn, nên  người tiêu dùng thường ở vị trí yếu thế hơn  trong quan hệ mua, bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chính vì vậy, cần thiết có sự điều chỉnh của pháp luật và sự giám sát nhất định của nhà nước vào mối quan hệ tiêu dùng này để đảm bảo cân bằng lợi ích, quyền và nghĩa vụ  của người tiêu dùng và của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Kể từ khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 1986, kinh tế- xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tịu đáng ghi nhận. Nhưng song hành cùng với đó thì những mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đã tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến lợi ích, chất lượng cuộc sống của người tiêu dùng Việt Nam, như hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo gian dối, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm với người tiêu dùng,… đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Việt Nam là quốc gia có sức tiêu dùng lớn với dân số gần 90 triệu dân. Pháp luật BVQLNTD theo nghĩa chung nhất là những quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa người tiêu dùng với các chủ thể khác khi thực hiện hoạt động tiêu dùng. Năm 1999, Nhà nước đã cho ban hành văn bản pháp lý cơ sở và đầu tiên cho hoạt động BVQLNTD ở Việt Nam với tên gọi là Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (hiện nay đã hết hiệu lực). Ngày 17 tháng 11 năm 2010, Quốc hội Khóa XII kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật số 59/2010/QH12 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7  năm 2011 là sự kế thừa, phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm còn hạn chế của Pháp lệnh BVQLNTD năm 1999.

About